Theo chân “cò” mua bán trẻ sơ sinh
TT - Từ phản ảnh của bạn đọc, PV Tuổi Trẻ đã
lần theo một đầu mối “mua bán” trẻ sơ sinh hoạt động trước cổng Bệnh
viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). Đường dây này săn tìm những phụ nữ đang
có thai muốn bỏ con mình để “bán” lại cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
|
Ông H. (trái) dẫn người phụ nữ mang bầu đi làm thủ tục xét nghiệm
máu tại phòng chẩn đoán y khoa trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11 (ảnh
chụp ngày 7-10-2010) - Ảnh: N.K. |
Chiều 24-9, trong vai một cặp vợ chồng hiếm muộn bước
ra từ khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương dò hỏi việc xin con nuôi,
chúng tôi được người phụ nữ bán trái cây dạo trước cổng bệnh viện giới
thiệu với ông H. (chạy xe máy Magic100 biển số 54T1...). Ông H. vẫy tay
ra hiệu chúng tôi lại gần nói: “Anh chị xin con về nuôi cho khỏe, thụ
tinh trong ống nghiệm chưa chắc đậu mà còn phải tốn đến vài trăm triệu
đồng. Nếu muốn xin con nuôi thì tìm tui là đúng người rồi”.
15 triệu đồng/trẻ sơ sinh
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM):
Đây là hành vi mua bán trẻ em
Theo
như thông tin Tuổi Trẻ đã cung cấp thì việc vợ chồng mới sinh con nhưng
đem con đưa cho người khác và nhận lấy một số tiền nhất định được coi
là hành vi bán trẻ em và người trả tiền để được nhận đứa trẻ ấy là hành
vi mua trẻ em.
Điều
này phù hợp với tội mua bán trẻ em được quy định tại điều 120 của Bộ
luật hình sự: “Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới
bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm...”.
Như
vậy, cả cặp vợ chồng bán và vợ chồng mua lẫn người môi giới đều phạm
tội này, riêng người môi giới còn có tình tiết định khung tăng nặng là
đối với nhiều trẻ em và có tính chất chuyên nghiệp. Điều này hoàn toàn
khác với việc cho và nhận con nuôi được quy định trong Luật hôn nhân và
gia đình.
Việc
cho và nhận con nuôi là hoàn toàn không vì mục đích vụ lợi và để nhằm
bảo đảm cho trẻ được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. |
Ông H. cho biết mình là người có uy tín trong việc giới
thiệu cho khá nhiều người có nhu cầu xin con đều “thành công trót lọt”.
Ông nói: “Tui làm nghề này hơn hai năm nay, giúp rất nhiều người muốn
xin con nuôi, có nhiều người xin được con rồi lại giới thiệu cho người
khác nên rất nhiều mối quen đang đợi”.
Để chứng minh lời mình nói, ông ta lấy điện thoại di
động, bật loa ngoài, gọi nói chuyện với một người vừa nhận con xong.
Giọng bà khách rất vui vẻ: “Anh chị cứ yên tâm, anh H. làm ăn đàng hoàng
lắm. Anh ấy vừa giới thiệu cho tui xin về một bé trai mạnh khỏe...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường dây của “cò” H. hiện
đang có khá nhiều “đối tác” đợi chờ đến giờ bên “cho” vượt cạn để “xin”
về nuôi với giá bồi dưỡng là 15 triệu đồng/trẻ. Việc chung chi tiền,
các thủ tục đều hoàn toàn qua “cò” H., người “xin” chỉ nhận con sau khi
người “cho” sinh xong đến ngày xuất viện là đường ai nấy đi.
Đường dây “mua bán” trẻ sơ sinh này có cả một mạng lưới
dò tìm những phụ nữ đang có thai nhưng muốn bỏ con mình do hậu quả lỡ
lầm, hoặc không đủ khả năng kinh tế nuôi đứa trẻ nên có nhu cầu cho hoặc
bán con. Khi trò chuyện với chúng tôi, “cò” H. liên tục dùng điện thoại
hỏi thăm các phụ nữ đang dưỡng thai, dò hỏi các đầu mối xem có ai muốn
dứt bỏ con, cũng như huyên thuyên nói chuyện với các “đối tác” xin con.
Ngày 27-9, thấy chúng tôi thường xuyên đốc thúc, ông H.
lấy điện thoại gọi liên tiếp ba cuộc hỏi các “đồng nghiệp” khác. Ông ta
lớn giọng: “Đã tìm ra “hàng sáu” (phụ nữ mang thai cần bỏ con - PV)
chưa chị? Người ta đang cần gấp mà...”.
Một lát quay sang chúng tôi ông H. nói: “Có mối rồi.
Như đã nói, 15 “chai” (triệu đồng) chắc giá, không thêm bớt. Khi nào anh
chị ẵm đứa bé về thì đưa tiền cho tui, không đưa tiền cho bà bầu. Sau
khi đứa trẻ ra đời, hai bên hoàn toàn cắt đứt liên lạc với nhau, bên cho
con không được đòi lại con. Nếu muốn đòi lại con cũng không biết đường
nào mà lần. Và phải giấu kín địa chỉ thật, xuất thân của đứa trẻ để sau
này nó không tìm về cha mẹ đẻ”.
Ông H. giải thích về số tiền 15 triệu đồng mà người xin
con phải chi: “Số tiền này để bồi dưỡng cho bà bầu và tui vì tui cũng
đi lại, ăn uống chứ ai đâu rảnh để làm chuyện không công (!?)”.
|
Ông H. điện thoại dắt mối cho khách (ảnh chụp ngày 24-9-2010) - Ảnh: N.K. |
Thay tên đổi họ
Chiều 7-10, ông H. sắp xếp cho chúng tôi gặp đôi vợ
chồng có hoàn cảnh khó khăn muốn bán đứa trẻ sắp chào đời. Khi chúng tôi
đến thì ông H. và hai vợ chồng kia đã ngồi đợi sẵn tại quán cà phê 59,
đường Ký Hòa, Q.5. Ông H. niềm nở giới thiệu: “Đây là cặp vợ chồng muốn
cho con, tui dám chắc chỉ còn 7-10 ngày nữa là sinh thôi. Anh chị yên
tâm chưa?”.
Ngồi bên cạnh “cò” H., người phụ nữ tự giới thiệu tên
Trang, 31 tuổi, quê ở Long An. Bà ta đen nhẻm, dáng người bé tẹo với cái
bụng to tướng ngồi nép bên người chồng tên Dũng, quê ở Cà Mau. Ông Dũng
nói: “Tui có hai đứa con, một con trai 15 tuổi, bé gái 9 tuổi, đều rất
khỏe mạnh và thông minh, đứa sắp sinh là... vỡ kế hoạch”. Ông Dũng làm
nghề chạy xe ôm, nhờ dò hỏi một “đồng nghiệp” trước cổng Bệnh viện Hùng
Vương nên được giới thiệu với ông H.. “Kinh tế khó khăn quá. Thôi thì
kiếm được đồng nào hay đồng đó. Nghe nói ông H. làm ăn uy tín và mát tay
lắm nên tụi tui mới chọn mặt gửi vàng”, người chồng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi “phi vụ” mua bán
con thành công, “cò” H. sẽ “hợp thức hóa” đứa trẻ cho người xin con khi
người phụ nữ mang bầu chuyển dạ. Tên tuổi, số CMND... mẹ đứa trẻ khi
xuất viện sẽ mang tên người phụ nữ nhận con. Ông H. mách nước: “Tui báo
trước, chị cần chuẩn bị CMND để khi bả sinh sẽ lấy tên chị thì mọi
chuyện êm xuôi, tui đã lo nhiều vụ trót lọt rồi. Khi làm thủ tục sinh
mình sẽ khai tên gì, ở đâu, quê quán... của chị. Như vậy xem như đứa bé
sẽ chính thức là con chị. Còn hình ở CMND thì đừng lo lắng gì cả, mình
photo ra chứ không giống như bản chính nên phải khác chứ”.
Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại với “kỹ nghệ” thay tên
đổi họ thì ông này rành mạch: “Tiền viện phí thì anh chị ứng trước. Khi
nào đứa bé xuất viện, anh chị ẵm con về và đưa tiền theo như thỏa thuận
cho tui”.
Tiến sĩ tâm lý học Đinh Phương Duy:
Xã hội không ủng hộ việc người mẹ bỏ con
Theo bản năng của người phụ nữ thì không người mẹ nào lại muốn chối bỏ đứa con ruột của mình.
Việc
có nhiều bậc làm cha mẹ muốn bỏ con có nguyên nhân từ tâm lý,
xuất phát từ nhận thức chủ quan của họ đó là những đứa con
ngoài ý muốn. Có nhiều lý do để họ lựa chọn chối bỏ đứa
con: vì kinh tế hoặc đó là hậu quả của sự lầm lỡ của người
phụ nữ...
Nhưng
lý do sâu xa hơn đó là tình yêu của họ với đứa con không đủ
lớn để giữ con lại. Nhất thời họ nghĩ việc dứt bỏ đứa con
là nhẹ nhõm, nhưng họ chưa ý thức được sự tổn thương, day dứt
trong đời sống tình cảm của họ sau này. Người phụ nữ nên có
trách nhiệm với đứa con mà mình sinh ra, bởi xã hội không chấp
nhận và ủng hộ việc người mẹ bỏ con dưới bất kỳ hình thức
nào. | “Cò” H. cho biết
theo thông lệ, người phụ nữ mang bầu cần phải xét nghiệm máu để biết có
mang mầm bệnh gì hay không và siêu âm thai để biết tình trạng thai nhi
như thế nào. “Siêu âm lẹ lắm, xét nghiệm máu thì mất hơn một tiếng...
Anh chị ứng tiền xét nghiệm đi. Nếu chị ta không bệnh gì thì đứa con
chắc chắn khỏe mạnh” - “cò” H. hướng dẫn.
Chiều 7-10, ông H. dẫn chúng tôi tới phòng chẩn đoán y
khoa trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11 làm thủ tục nộp phí và lấy mẫu
máu của bà Trang để xét nghiệm.
Sau đó, ông H. lại dẫn chúng tôi tới phòng khám TN
trên đường Lý Thường Kiệt, Q.5 để lo cho người phụ nữ kia siêu âm
thai. Sau khi nộp phí siêu âm, chúng tôi (nữ PV và bà Trang) được
dẫn lên phòng siêu âm. Kết quả thai nhi là một bé trai nặng 3,5kg,
chưa phát hiện vấn đề gì bất thường. “Cò” H. hớn hở ra mặt
khi xem các phiếu kết quả xét nghiệm: “Bây giờ yên tâm chưa? Ổn cả rồi.
Khoảng một tuần nữa bà này sẽ sinh thôi”.
Bà Trang vừa xoa nhẹ bụng bầu vừa nói: “Con tui đứa nào
cũng ngoan. Đứa này rồi mai mốt sẽ khỏe mạnh và đẹp trai lắm đó. Nhưng
vì hoàn cảnh khó khăn nên tui không nuôi nổi...”. Nói đến đây giọng bà
ta bỗng nhiên trầm hẳn, trên đôi môi khô khốc chỉ còn một nụ cười nhợt
nhạt.
Theo lời bà Trang, ba năm nay gia đình bà thuê một
phòng trọ ở quận 8, mưu sinh bằng nghề thu gom ve chai. “Tui và ổng khổ
quá nên bây giờ mang con đi cho phải giấu không để hai đứa con ở nhà
biết. Hi vọng sau này đứa bé sẽ có tương lai hơn, chứ như bây giờ èo uột
quá, nó cũng khổ mà tụi tui cũng khổ”.
Khi ra về, người phụ nữ mỉm cười gượng gạo còn người
chồng lại có vẻ khá vui mừng và hớn hở như trút được gánh nặng: “Vợ
chồng tui về nhá. Tiền bạc thì cứ bàn và đưa cho anh H. là được”. Trưa
9-10, chúng tôi nhận được tin báo của ông H.: bà Trang đã có dấu sinh,
hiện đang ở Bệnh viện Q.8, “muốn sinh ở đâu thì cứ việc chọn lựa, tui sẽ
lo hết”.
Ông H. nhắc lại: “Nhớ nhắn số CMND, tên, họ... như tui
hướng dẫn. Còn nếu lỡ mất giấy tờ tùy thân thì vẫn cứ khai tên bà bầu
kia, tui có quen bác sĩ ở một bệnh viện trong TP có thể lo làm giúp giấy
chứng sinh khác mang tên chị sau khi nhận con. Chỉ cần chi cho vị
bác sĩ đó 3,8 triệu đồng và cho tui thêm một số tiền bồi dưỡng
thì vẫn sẽ hợp thức hóa sau được. Khi nào đứa bé ra khỏi cổng bệnh
viện, làm giấy tờ hẳn hoi (nếu anh chị có nhu cầu) thì trao tiền và mang
đứa trẻ về nuôi”.
Cả ông H. và cha mẹ đứa bé đều tỏ vẻ vui mừng
vì cuộc “mua bán” sắp thành công. Chỉ có tương lai đứa trẻ vừa
chào đời đã bị mẹ ruột dứt bỏ là mờ mịt...
|